Chủ nhật, 22 Tháng 12 2024 00:05:01
|
Huyết mạch Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ |
Cao tốc Hà nội-Hải Phòng | |
Thứ hai, 25 Tháng 5 2015 10:39 | |
Tuyến đường cao tốc hiện đại bậc nhất cả nước nối liền Hà Nội - Hải Phòng dài 105,5km đang được định hình rõ nét. Dự kiến, cuối tháng 5-2015, đoạn tuyến đầu tiên dài hơn 22km của đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được thông xe, đưa vào khai thác. Ngày "về đích" của dự án không còn xa khi rất nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, bộ mặt công trường đang thay đổi nhanh chóng.
Sẽ là cao tốc có mật độ phương tiện cao nhất cả nước Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông vận tải lập từ năm 2003 nhưng không bố trí được nguồn vốn để triển khai. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi sức ép giao thông đè nặng lên Quốc lộ 5. Đến năm 2007, Quốc lộ 5 đã mãn tải, tình trạng tắc nghẽn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trước nhu cầu cấp bách đó, năm 2007, Thường trực Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì huy động vốn đầu tư dự án theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án.
Tuyến đường được mong chờ bấy lâu chính thức khởi công năm 2008. Sau 6 năm thi công, đến nay, hình hài của con đường huyết mạch đã rõ nét, đoạn tuyến dài 22,7km thuộc địa phận Hải Phòng sẽ là đoạn đầu tiên “về đích”. Con đường thênh thang mở ra trước mắt chúng tôi với 6 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp, giải phân cách ở giữa, đạt quy mô vào loại hiện đại nhất Việt Nam. Lớp bê tông nhựa phẳng, mịn giúp phương tiện lưu thông êm thuận với tốc thiết kế 120km/giờ. Tuyến đường được áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế, đáng chú ý là lớp polyme tạo nhám được phủ trên bề mặt. Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Ban điều hành gói thầu EX19C, phụ trách thi công lớp nhựa tạo nhám, lớp phủ này có nhiệt độ hóa mềm lên đến 87oC, vượt ngưỡng nhiệt độ cao nhất ngoài trời của mặt đường. Quá trình thí nghiệm vệt hằn bánh xe đối với lớp polyme cho kết quả tốt, có thể ngăn ngừa hiện tượng hằn lún. Lớp phủ này giúp phương tiện lưu thông an toàn, khi phanh gấp, xe sẽ dừng hẳn chứ không tạo thành vệt.
Chất lượng công trình là một trong những yêu cầu được đặt lên hàng đầu đối với dự án này. Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDIFI cho biết, dự án thường xuyên được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, giám sát, chủ đầu tư cũng tổ chức hệ thống giám sát nội bộ. Ngay từ thiết kế đã xác định đây là tuyến cao tốc có lưu lượng xe vào loại lớn nhất tại Việt Nam, tải trọng trục của xe cũng thuộc loại cao nhất, phân làn tuyệt đối, do vậy nếu không bảo đảm chất lượng sẽ khó tránh được hư hỏng, hằn lún. Quá trình triển khai dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng trên thực tế gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Riêng với công tác giải phóng mặt bằng, một số đoạn tuyến chậm 3 năm so với yêu cầu. Quy mô giải phóng mặt bằng của dự án lên đến khoảng 1.430ha, trong đó có 115ha đất thổ cư, ảnh hưởng đến 2.600 hộ dân có đất thổ cư và 35.000 hộ có đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, dự án triển khai trong điều kiện địa chất phức tạp, khoảng 80% hướng tuyến phải xử lý nền đất yếu, với thời gian gia tải và chờ cố kết từ 6 đến 18 tháng. Đến nay, khi dự án đã bước vào giai đoạn nước rút, vẫn còn đoạn tuyến chưa tắt lún, phải dỡ tải để thi công nhằm bảo đảm tiến độ. Đoạn tuyến này sẽ tiếp tục được theo dõi, bù lún trong quá trình khai thác.
Nhà đầu tư có thể hoàn vốn trong 30 năm Là dự án đường cao tốc được thực hiện theo hình thức BOT đầu tiên trên cả nước, hiệu quả lớn nhất mà dự án mang lại là sẽ tạo động lực cho cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thỏa mãn nhu cầu vận tải tăng nhanh, rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương khác. Trong phương án tài chính, vấn đề thu hồi vốn được đặt ra bên cạnh hài hòa lợi ích của Nhà nước, xã hội. Năm 2014, tổng mức đầu tư của dự án được cập nhật và đã được phê duyệt là hơn 45.400 tỷ đồng. Để hoàn vốn cho dự án này, mức thu phí dự kiến là 2.000 đồng/km/PCU (phương tiện tiêu chuẩn), thời gian thu phí khoảng 30 năm. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận một số cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án này nhằm bảo đảm phương án tài chính khả thi.
Hiện nay, ở nước ta, đã có một số dự án đường cao tốc đưa vào sử dụng cũng như đang triển khai. Suất đầu tư của mỗi dự án khác nhau phụ thuộc vào quy mô, tính chất, điều kiện thi công… Đối với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, suất đầu tư quy đổi về cao tốc 4 làn xe khoảng 10,84 triệu USD/km. Con số này được đánh giá ở mức hợp lý với một tuyến đường hiện đại, áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế vào thiết kế. Tuyến cao tốc này là một trong những dự án cụ thể hóa chủ trương thu hút vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông. Từ đó, góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về giao thông, hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối không chỉ trong nước mà còn với các quốc gia trong khu vực.
Nguồn: MẠNH HƯNG (Quân Đội Nhân Dân) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|